TTTĐ - Khí động học luôn là một trong những vấn đề mà hãng xe “ngựa chồm” quan tâm hàng đầu. Để tối ưu hóa khả năng tiết kiệm nhiên liệu, độ ổn định khi vận hành và tốc độ tối đa của xe, giải pháp được đưa ra chính là thay đổi kết cấu vòm bánh khép kín, không để lộ giao diện mâm và lốp ra bên ngoài.
Khí động học là một yếu tố quan trọng, cần cân nhắc kỹ lưỡng với các nhà sản xuất ô tô. Không khí tác động trực tiếp lên vỏ xe khi di chuyển, tạo ra ma sát biến thành lực cản, làm ảnh hưởng đến công suất thực tế của xe.
Những ảnh hưởng của khí động học lên thân xe sẽ thay đổi tùy theo tốc độ của xe và vị trí tác động, vì thế nhà sản xuất thường chỉ có giải pháp là tạo hình vòm bánh hoặc bổ sung hốc gió để điều hướng luồng khí chạy lên trên/xuống dưới xe hiệu quả nhất có thể.
Những chuyên gia tại Ferrari đã đặt ra câu hỏi rằng liệu sự vận hành của lốp xe đang sai sót ở đâu và họ không ngừng tìm tòi những giải pháp mới. Cuối cùng, hãng xe "ngựa chồm" quyết định đăng ký công nghệ vòm bánh khép kín cho những chiếc xe mới nhất của mình. Việc đóng kín vòm bánh (tạo thành một bề mặt "trơn" không cản lại không khí) đã được nhiều bên sử dụng và từng xuất hiện cả trong đua xe. Tuy vậy công nghệ này vẫn có những thiếu sót nhất định.
Nếu trường hợp có luồng khí chui vào bên trong bánh xe, chúng sẽ bị kẹt lại và tạo ra một khu vực có áp suất không khí cao, không những ảnh hưởng tới khả năng cân bằng mà còn giảm độ hiệu quả trong khí động học. Ngoài ra, việc khép kín vòm bánh khiến bùn đất hay tuyết có khả năng kẹt lại đây khóa cứng bánh.
Bằng bộ điều tiết khí nén tại mỗi vòm bánh, lớp vỏ ngoài sẽ tạm thời được mở rộng, nhờ áp lực khí tạo ra khi hệ thống phát hiện người dùng đánh lái góc lớn. Khi vô lăng được trả thẳng, quy trình này vận hành ngược lại.
Cuối cùng, cả mâm và lốp, do phải đặt gọn trong vòm bánh khép kín nên chúng sẽ phải thu nhỏ hơn rất nhiều để phù hợp với không gian vòm bánh và dễ dàng quay trái/phải. Tuy nhiên, điều này cũng làm cho giao diện Ferrari kém thu hút hơn trước.